HOME

Trần Bình Trọng, danh tướng thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc

Trần Bình Trọng (1259 - 1285) nguyên họ Lê, dòng dõi vua Lê Đại Hành, nguyên quán làng Bảo Thái, huyện Thanh Liêm, nay thuộc tỉnh Hà Nam, nhưng sinh trưởng tại kinh thành Thăng Long. Tuy sử sách không ghi chép cha mẹ ông là ai, nhưng có tài liệu nói phụ thân ông là danh tướng Lê Phụ Trần dưới triều vua Trần Thái Tông. Hai cha con ông đều làm quan và lập nhiều công lớn cho nhà Trần nên được vua ban quốc tính họ Trần.

Tháng 1 năm 1285, “Trấn Nam vương” Thoát Hoan - con trai của vua Nguyên Hốt Tất Liệt - xua 50 vạn quân chia làm ba cánh tấn công xâm lược Đại Việt lần thứ hai. Thấy thế giặc mạnh như chẻ tre, Quốc công Tiết chế Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn quyết định cho lui quân về giữ Vạn Kiếp (nay thuộc vùng Vạn Yên, Chí Linh, Hải Dương). Nhưng mãi vẫn không giữ được trước sức tấn công ồ ạt của quân Nguyên, quân Đại Việt lui về Thăng Long, rồi tính kế rút về Thiên Trường (nay là tỉnh Nam Định).

Trần Bình Trọng được Hưng Đạo Vương, Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông giao cho một nhiệm vụ nặng nề: giữ vùng Đà Mạc - Thiên Mạc, ngăn chặn và cầm chân quân Nguyên, bảo đảm cho vua, triều đình, tôn thất và đại quân rút lui an toàn theo đường sông Hồng về hướng phủ Thiên Trường - nơi từng là một trung tâm chính trị của đất nước, là nơi nghỉ ngơi, làm việc, điều hành đất nước của các Thái Thượng hoàng.

Nghe tin, Thoát Hoan cho hai cánh quân trên bộ dưới thủy, tập trung những tướng giỏi như Khoan Triệt, Lý Hằng, Ô Mã Nhi..., chỉ huy quân khinh kỵ và thuyền nhẹ truy đuổi bằng được hai vua Trần. Để cản giặc, quân Đại Việt cũng liên tiếp bố trí một số trận đánh trên sông Hồng.

Vâng lệnh trên, Trần Bình Trọng chỉ huy cuộc đánh chặn quân giặc ngay tại bãi Đà Mạc (nay là vùng giáp giới giữa hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương), nhưng do sự chênh lệch quá lớn về quân số, ông bị bắt. Sa vào tay giặc, ông không chịu ăn uống; giặc hỏi việc quân, việc nước, ông không nói nửa lời. Chúng hết dọa nạt lại mua chuộc, dụ dỗ nhưng ông vẫn kiên quyết không khuất phục. Khi nghe hỏi ông có muốn được nhận tước vương của chúng hay không, ông khẳng khái mắng chúng rằng: “Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc”.

Thoát Hoan biết không thể nào chiêu dụ ông nên ra lệnh giết đi để trừ hậu họa. Đó là ngày 26 tháng 2 năm 1285, lúc ông mới 26 tuổi.

Nghe được hung tin ông tuẫn nghĩa, đức vua và triều đình vô cùng thương tiếc một dũng tướng hết lòng vì dân vì nước. Sách Cương mục chép vua Trần Nhân Tông “được tin này, vật vã thương khóc”.

Người sau nhận định, trận Đà Mạc tuy không phải là trận lớn, nhưng ở đó thể hiện không chỉ khí phách anh hùng, bất khuất, không chịu đầu hàng giặc của người tướng chỉ huy là Trần Bình Trọng, mà còn là ý chí quyết chiến quyết thắng kẻ thù xâm lược của quân dân Đại Việt trong những thời điểm khó khăn nhất của Tổ quốc. Chính những con người như thế đã góp phần làm nên những chiến thắng vang dội liền ngay sau đó như Hàm Tử, Chương Dương, Tây Kết... trong lần thứ hai kháng chiến chống quân Nguyên – Mông dưới Triều Trần.

 

Ngợi ca Trần Bình Trọng, Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái viết trong “Đại Nam quốc sử diễn ca”:

Trần Bình Trọng là tôi trung,

Thà làm Nam quỷ, chẳng lòng Bắc vương.


 

Phan Kế Bính có bài khen Trần Bình Trọng: 

Giỏi thay Trần Bình Trọng!
Dòng dõi Lê Đại Hành.
Đánh giặc dư tài mạnh,
Thờ vua một tiết trung.
Bắc vương sống mà nhục,
Nam quỷ thác cũng vinh.
Cứng cỏi lòng trung nghĩa.
Ngàn thu tỏ đại danh.

 

Tưởng nhớ đến người anh hùng lẫm liệt, nhân dân lập Đền Trần Bình Trọng tại xã Mạn Trù, huyện Châu Giang, tỉnh Hưng Yên; nay thuộc làng Mạn Trù, xã Tứ Dân, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.



Các tin khác

Thống kê truy cập

Đang online: 2

Tuần này: 439

Tháng này: 1112

Tổng truy cập: 170867