HOME

Học sinh phổ thông nhút nhát, thụ động quá

Để tiếp thêm động lực, cổ vũ tinh thần ôn tập cho học sinh bước vào đợt thi giữa kỳ 2 và học sinh khối 12 chuẩn bị thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia sắp tới, Trường trung học phổ thông Nguyễn Văn Linh (Q.8, TP.HCM) đã mới Dương Anh Vũ đến trường chia sẻ kinh nghiệm với học sinh hôm 13/3. 

Tại buổi giao lưu, Vũ chia sẻ câu chuyện thực tế về hành trình từ một học sinh trung bình, phải ở lại lớp trở thành một kỷ lục gia về trí nhớ của chính mình cho học sinh. 

Vũ muốn học sinh phải đặt thật nhiều câu hỏi về bí kíp học tập, làm sao để nhớ lâu, làm sao để tự tin khi thuyết trình, va chạm thực tế... Các học sinh cứ ngồi im, quá thụ động khi đặt câu hỏi đã làm người truyền cảm hứng khó chịu, không vừa lòng.

Đừng quá phụ thuộc vào Google

Dương Anh Vũ được gọi là kỷ lục gia trí nhớ thế giới khi có thể nhớ được 108 hệ thống dữ liệu toàn cầu với 22.248 mục dữ liệu, trong đó chứa 41.725 con số và 18.725 mục dữ liệu.

Các dữ liệu bao gồm diện tích, chiều dài bờ biển, tỷ giá hối đoái, GDP, tiền tệ, hệ thống chính trị...

Nhớ được 1.022 tác phẩm văn chương Việt Nam và thế giới, như: tóm tắt tác phẩm, nhân vật, tác giả, phân tích cốt truyện. Có một số tác phẩm, Vũ có thể nhớ đến từng chi tiết về câu và từ.

Kỷ lục gia trí nhớ Dương Anh Vũ trao đổi với ban giám hiệu Trường trung học phổ thông Nguyễn Văn Linh về những gì mình không vừa lòng về buổi giao lưu - Ảnh: T.A

Nhớ được toàn bộ bản đồ thế giới khổ lớn nhất, với 2.500 địa danh bằng ngôn ngữ quốc tế, gồm: tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Trung Quốc.... Nhớ chính xác 10.056 mốc sự kiện lịch sử, văn hóa, khoa học và nghệ thuật thế giới.

Nhớ được 20.000 số Pi trong toán học.

Khả năng phản xạ trí nhớ siêu nhanh khi nhận diện hình thể bản đồ trong thời gian chỉ 1/2 giây.

Theo Vũ, để nhớ lâu thì nên nhớ những gì cần thiết. ''Có những thông tin rất đơn giản như số điện thoại, ngày sinh nhật của bạn gái tôi chẳng cần nhớ. Đã có điện thoại hoặc sổ ghi chép nhớ giúp tôi rồi.

Tôi chỉ nhớ những gì mình cảm thấy cần thiết và là tiền đề để tư duy tiếp theo.
Nhiều bạn trẻ hiện nay cứ phụ thuộc vào Google vì cho rằng đây là công cụ chính xác và tiện lợi. Không phải đâu. Google chỉ hỗ trợ chúng ta tìm kiếm thông tin chứ không giúp mình phân tích thông tin.

Vì thế đang là học sinh, đừng quá lệ thuộc vào Google làm gì. Chúng ta cứ lệ thuộc thì sẽ lười suy nghĩ, không chịu tư duy và quên mọi thứ rất nhanh''.

Là học sinh phải đặt thật nhiều câu hỏi

Buổi giao lưu diễn ra 90 phút, Vũ chia sẻ rất nhiều câu chuyện và trải nghiệm của mình, làm sao để trở thành kỷ lục gia về trí nhớ. Sau mỗi câu chuyện và chia sẻ, Vũ chỉ mong cánh tay của các học sinh dưới sân khấu giơ lên xin đặt câu hỏi, thậm chí yêu cầu mình giải thích một vấn đề nghe chưa rõ.

''Tôi rất buồn. Là học sinh phải đặt thật nhiều câu hỏi thì mới mạnh dạn, tự tin được. Các em học sinh nhút nhát quá.

Tôi đã từng giao lưu ở rất nhiều trường học, có cả những trường ở miền núi hẻo lánh. Các em đặt rất nhiều câu hỏi. Buổi giao lưu rất thú vị. Tôi thích vô cùng.

Chẳng hiểu sao, Trường trung học phổ thông Nguyễn Văn Linh ở thành phố mà các em lại nhút nhát, thiếu tự tin đến vậy'', Vũ đặt câu hỏi.

Ngọc Huyền, Hồng Ngọc và Kim Dung (lớp 10A7) rất thích buổi giao lưu với kỷ lục gia trí nhớ Dương Anh Vũ. ''Em học ở anh ấy sự sự tự tin, nhiệt huyết và bí kíp giúp mình nhớ lâu. 

Sắp bước vào mùa thi rồi, em sẽ áp dụng phương pháp mà anh Vũ chia sẻ để học bài. Thế nhưng, chẳng biết sao, trong buổi giao lưu em lại thấy ngại, không dám đứng lên để hỏi''.

Còn TP (lớp 12A5) thì cho rằng, mình ngồi quá xa sân khấu nên không nghe được rõ những gì anh Vũ nói. ''Em ngồi ở xa, chiếc loa bị rè nên em chẳng nghe gì cả''.

Cô Trần Thị Thanh, hiệu trưởng nhà trường cho rằng, Trường Nguyễn Văn Linh là trường có đầu vào thấp, chủ yếu là các em học sinh có học lực trung bình và khá. Nhà trường tổ chức buổi giao lưu là để giúp các em tự tin trong học tập và những trải nghiệm của chính mình.

Cô Thanh cũng khẳng định rằng, do sân khấu tổ chức rộng, các em học sinh đông, âm thanh không rõ nên các em không nghe hết những gì Vũ nói. Hơn nữa, do lần đầu tiếp xúc với một người quá nổi tiếng như Vũ nên các em còn nhút nhát, thiếu tự tin.

Cô cho biết, sắp tới nhà trường sẽ mời Vũ về trường một lần nữa để giao lưu với các em khối 12. Nhất định buổi giao lưu đó sẽ tổ chuyên nghiệm, âm thanh tốt và được tổ chức trong phòng nhỏ để các em học sinh nghe rõ hơn.



Các tin khác

Thống kê truy cập

Đang online: 2

Tuần này: 266

Tháng này: 1158

Tổng truy cập: 159908